Mảng xanh cho ngôi nhà nhỏ

  • 14.03.2021
  • -
  • 438 lượt xem

Khi một ai đó bảo rằng “Nhà tôi có vườn đấy!” thì chắc hẳn bạn sẽ nghĩ ngay đến một khoảng không gian rộng rãi thoáng mát với đầy đủ diện tích cho “các món ăn chơi” trong ấy. Và ngược lại, với một ngôi nhà có diện tích hơi nhỏ thì thôi đành “nhịn” luôn mảng đầu tư cho cây xanh vườn tược, cứ việc “tiết giảm cho đỡ chật đất”! Nhưng thực chất có phải như vậy?

Nếu ngôi nhà của bạn có diện tích khá thoải mái thì chắc chắn cây xanh cũng là một “danh mục”
không thể thiếu để tận hưởng những lợi ích mà thiên nhiên mang đến  
Bất kỳ ai trong chúng ta khi đối diện với các yếu tố tạo nên thiên nhiên đều cảm thấy thư giãn, bình an và giải tỏa phần nào những gánh nặng áp lực. Có câu “Trong nhân tạo phải có tự nhiên”- đừng để cho ngôi nhà của bạn, dù là căn hộ chung cư nhỏ bé hay nhà phố hạn hữu lại thiếu đi những mảng xanh cây cỏ tự nhiên ấy. Hãy đem thiên nhiên về với không gian sống của bạn ngay từ bây giờ để tận hưởng hết những lợi ích và giá trị tinh thần tuyệt vời mà thiên nhiên mang lại!
Chắc hẳn đã không ít lần bạn tự hỏi, bao nhiêu diện tích là đủ cho lượng không gian có giới hạn của nhà mình? Trên thực tế những căn nhà phố bình thường chỉ cần dành ra khoảng 20% “thị phần” chia sẻ cho không gian xanh là đủ, và với diện tích nhỏ hơn bạn chỉ cần khoảng 10% mà thôi. 
Hãy nhớ rằng, ai đó có thể nhận xét khu vườn của bạn quá nhỏ, nhưng thực chất, khi bạn đủ chỗ để trồng cây, bạn đủ chỗ để chăm sóc, bạn đủ chỗ để ngắm nhìn chúng thì nó không phải là một khu vườn nhỏ, người ta gọi đấy là một khu vườn có “kích thước hoàn hảo”, nó chính xác là vừa đúng với bạn đấy! 

 
Thềm nhà có hoa, ai để lại đêm qua?
Nếu bạn đang sở hữu một ngôi nhà phố với mảng sân trước nho nhỏ hay dùng để dựng tạm những chiếc xe của gia đình và khách đến chơi thì đừng quên chừa lại những khoảnh đất sát bờ tường hay sát hàng rào và biến chúng thành một khu vườn xanh mát!
Hãy lựa chọn những loại cây cỏ có thể xanh tươi quanh năm trong trường hợp bạn trồng chúng trực tiếp xuống mặt đất và đừng ngại thêm vào những loại cây có hoa mà bạn yêu thích nếu khoảng sân của bạn đủ nắng. Một tán cây cao vượt đầu người cũng không chiếm quá nhiều diện tích như bạn nghĩ, hãy nghiên cứu khoảnh đất nào là vừa đủ cho một số loại cây bóng mát tầm nhỏ để tạo thêm không gian tầng bậc thú vị cho khu vườn.
Bạn rất yêu cây xanh? Thế thì nên giải phóng ngay những tấm bạt che nắng hằng ngày và thay vào đó bằng những giàn pergola cùng những loại dây leo buông thõng quyến rũ! Một góc hồ thủy sinh nho nhỏ cùng vài ba chiếc ghế cạnh bên cũng là một gợi ý hoàn hảo cho bạn, tiếng nước chảy róc rách có thể làm bạn phấn chấn tinh thần để bắt đầu một ngày mới tuyệt vời!
 
Nhưng với diện tích hơi khiêm tốn một chút cũng chẳng sao, bạn có thể dành một ít cho cây xanh theo dạng “vườn thẳng đứng” 
 
Giếng trời - đâu chỉ là nắng gió?
Những căn nhà dạng ống dài và hẹp thường được bố trí thêm giếng trời lấy sáng, với đặc tính gần như tách biệt của mình giếng trời chính là nơi hoàn hảo và tự do nhất để bạn lên ý tưởng về một góc thiên nhiên cho bản thân mà không hề lo sợ sẽ có sự chồng chéo công năng trong cùng một không gian.
Với những khoảng giếng trời có kích thước ngang dọc hài hòa, bạn có thể bố trí cây trồng đa dạng và sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau như đá, sỏi, gạch chẻ cũng như cân nhắc việc xử lý bề mặt của những bức tường bao xung quanh để tăng thêm hiệu ứng cảm quan.
Khi những khoảng giếng trời được “cơi nới” và có cửa ra vào thông thoáng nó sẽ trở thành một loại không gian chuyên biệt mà chúng ta hay gọi là “sân trong” và “sân sau”.
Lúc này giếng trời gần như vượt trội hơn hẳn so với khoảng sân trước khi bạn chẳng cần đắn đo không gian cho việc đậu xe mà thay vào đó là những loại sàn gỗ sang trọng với hoa lá xum xuê hay hoàn toàn được “chiếm dụng” bởi một hồ cá quy mô với các loại cây thủy sinh đẹp mắt. 
Và không thể không nhắc đến khu vực giếng trời rất quen thuộc mà gần như ngôi nhà phố nào cũng có: cầu thang. Chắc hẳn bạn đã quá nhàm chán với hình ảnh những loại vườn khô hay hồ nước được bố trí ngay bên dưới? Nhưng chờ đã! 
Bạn có biết hầu hết mọi người đều mắc chung một sai lầm trong tư duy, đó là đặt mảng xanh bên dưới gầm cầu thang chỉ với một lý do đơn thuần là… không biết phải nhét thứ gì vào cho đỡ trống! Việc này đã vô tình khiến mảng xanh “rơi vào quên lãng” và bị… “khai tử” từ lúc nào không hay! Để tránh những sai lầm đó bạn hãy thử phủ xanh thêm một hai mét vuông xung quanh chân cầu thang để khu vườn của bạn thêm phần sức sống và thu hút chính bạn trong việc chăm sóc chúng!
Dẫn vài ba len cỏ từ khoảng vườn chạy ngang lối đi một cách khéo léo hay chuyển tiếp vật liệu lát sàn một cách thông minh để tăng tính kết nối với không gian kế cận thật sự là một gợi ý hay ho cho bạn.
Chưa hết, bạn còn có thể “xâm lấn” cây xanh lên khu vực chiếu nghỉ của cầu thang bằng cách lặp lại chủ đề khu vườn ở phía dưới, chừa khoảng thở vừa đủ cho việc đi lại và chú ý đến việc chống thấm, vậy là bạn đã có một khu vực giếng trời với cầu thang và cây xanh cực chất!
Còn nếu giếng trời của bạn quá hẹp? Đừng vội thất vọng! Bạn vẫn có thể đưa mảng xanh vào một cách ấn tượng bằng cách trồng những cây bụi nhỏ san sát nhau thật bắt mắt! Hoặc thử nghiệm một chút với phong cách tối giản cùng những loại cây thân gầy được bố trí cách khoảng nhau đầy khéo léo và tinh tế.
 

 
Cao cao bên cửa sổ, có đôi giàn hoa bay
Đã bao giờ bạn thử suy nghĩ theo chiều dọc chưa? Hãy tận dụng tối đa không gian mà bạn có bằng cách đưa thật nhiều những mảng xanh lên cao mà đơn giản nhất chính là lên ý tưởng cho khu vườn nơi ban công hay lô gia nhà bạn.
Có rất nhiều cách đề “hô biến” phần không gian này thành khoảng thiên nhiên tươi đẹp cho cả gia đình, trong đó phổ biến nhất vẫn là sử dụng cây trồng trong chậu. Đây gần như là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu của mọi người bởi tính đa dạng về hình thức và linh động trong việc thay đổi bố cục mà chúng mang lại.
Bạn có thể làm mọi thứ với những chậu cây: đặt trên sàn, móc lên cao, treo vào thành lan can hoặc biến chúng thành những tháp rau sạch theo tầng bậc thật đẹp mắt và hữu ích! Bên cạnh ban công hay lô gia, việc tận dụng khoảng không gian ngay bên dưới cửa sổ để làm bồn cây cũng mang đến sự kết nối chủ đề rất mạnh mẽ cho cả khu vườn!
Trong trường hợp khoảng lô gia trên cùng có phần rộng rãi hơn? Vậy thì chúng ta hãy gọi nó là “sân thượng! Giờ đây bạn có thể thỏa mãn óc sáng tạo của mình bằng việc thiết kế những mảng xanh mang lại cảm giác thật như một khu vườn trên mặt đất. Một bộ bàn ghế nho nhỏ, suối, đá thậm chí cây cao đều có thể nằm trong danh sách cân nhắc của bạn. Và cũng đừng quên chống thấm thật kỹ lưỡng cho sàn nếu như bạn lựa chọn cách trồng cây trực tiếp - cực kỳ quan trọng cho bạn đấy!
Đưa mảng xanh lên cao cũng đồng nghĩa với việc bạn phát triển chúng theo chiều dọc. Và tường cây chính là đại diện nổi bật nhất cho phương pháp này! Những mảng tường phủ đầy cỏ hoa nơi lô gia hay một bức màn xanh “chễm chệ” nơi trung tâm của khoảng sân thượng rợp nắng, tại sao không?
 Đừng ngại đầu tư một mảng tường cây nếu không gian sinh hoạt thiết yếu của bạn đã quá siết sao! Với ưu thế tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng, tường cây có thể có mặt ở hầu hết các không gian không chỉ ban công hay sân thượng mà cả phòng khách, nhà bếp, giếng trời, thậm chí là mặt đứng của nhà bạn! Tùy vào điều kiện khí hậu, ánh sáng, vị trí nội hay ngoại thất mà bạn cần cân nhắc hình thức thi công phù hợp kèm những loại cây trồng tương thích để đảm bảo sự phát triển bền vững trong điều kiện thẳng đứng.
Có thể nói mảng xanh lại là loại không gian mang tính chất ưu việt khi có thể kết hợp với hầu hết các loại không gian khác của căn nhà. Đặc tính này giúp cho mảng xanh có thể len lỏi vào bất cứ nơi đâu mà chẳng hề đòi hỏi bạn phải dành một nơi hoàn toàn tách biệt và liền mạch cho chúng. 
Song song việc lựa chọn về không gian và kỹ thuật, bạn cũng đừng quên đầu tư một chút thời gian, một chút tinh ý và một chút sáng tạo của riêng mình để khu vườn của gia đình luôn được thẩm mỹ, bền vững và tươi đẹp quanh năm.
 
 

  

Có rất nhiều cách để “hô biến” phần không gian trong ngôi nhà thành khoảng thiên nhiên  tươi đẹp cho cả gia đình
 
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 148